8:54 PM
0
(DĐDN) - Thời gian gần đây, nếu các mức lãi suất liên quan đến việc quyết định lãi suất vay nội tệ liên tục được cơ quan quản lý điều chỉnh thì ngược lại, lãi suất liên quan đến các khoản vay ngoại tệ gần như đứng yên. Điều đó khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc nhiều hơn đối với nhu cầu sử dụng đồng tiền khi vay vốn, khi lãi suất vay VND đang xuống dần…


Biến động tỉ giá từ 1/10/2012 đến 1/4/2013 (ĐVT: đồng)
 
Có thể nói sự ổn định của lãi suất huy động ngoại tệ trong một thời gian dài tính theo năm đã mang đến lợi ích cho không ít doanh nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ đầu khi lãi suất cho vay ngoại tệ và cho vay nội tệ có mức chênh lệch cao, khiến doanh nghiệp được vay ngoại tệ hưởng lợi lớn từ sự chênh lệch đó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có điều kiện đã lên phương án vay ngoại tệ, đổi ra nội tệ gửi ngân hàng lĩnh lãi suất cao.

Gió đổi chiều

Tuy nhiên, sự ổn định và lợi ích của những doanh nghiệp được vay ngoại tệ giá rẻ chỉ tồn tại ở một thời gian đầu. Còn nay, mọi chuyện đang diễn tiến theo chiều ngược lại. doanh nghiệp có điều kiện và nhu cầu vay ngoại tệ đã và ngày càng gặp khó khăn do mức chênh lệch lãi suất giữa vay ngoại tệ và vay nội tệ đã không còn nhiều, trong khi đó vay ngoại tệ lại phải đáp ứng rất nhiều điều kiện và tiêu chí mà Ngân hàng Nhà nước cũng như mỗi Ngân hàng Thương mại đặt ra. Cùng với đó, sự mất giá của một số đồng tiền ở các thị trường trọng yếu cũng khiến các nhà xuất khẩu hàng hóa khó khăn. Một mặt, họ vừa phải đối mặt với việc lỗ do tỉ giá khi VND/ USD gần như đứng yên, còn các đồng tiền khác như EUR, JPY vẫn đang mất giá; mặt khác, lại vừa chịu sức ép cạnh tranh từ chính các thị trường do hàng hóa của các doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu có cơ giảm giá, và qua đó doanh nghiệp bản địa gia tăng lợi thế khi quy đổi đồng tiền của mình theo USD.

Cơ hội cho giới... đầu cơ

Có thể thấy sự ổn định của tỉ giá trong năm 2012 (và có lẽ cả năm 2013) không chỉ là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước mà còn là lựa chọn hợp lý. Vấn đề là, sự ổn định đó có thực sự hợp lý trong thời điểm hiện nay, nhất là với khối doanh nghiệp xuất khẩu, khi lãi suất vay ngoại tệ đang xấp xỉ ngang với lãi suất vay nội tệ? Nhiều chuyên gia và các nhà kinh doanh ngân hàng cho rằng trong giai đoạn hiện nay, cũng không dễ để hạ lãi suất cho vay ngoại tệ xuống mức 4-5% cho các kỳ vay ngắn, trung và dài hạn như kỳ vọng của doanh nghiệp, bởi trong giai đoạn vừa qua, có hai yếu tố tác động mạnh đến nhu cầu gom mua ngoại tệ và hút ngoại tệ từ kênh tiền gửi của các Ngân hàng Thương mại.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia qua kênh mua lại ngoại tệ từ các Ngân hàng Thương mại. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong quý I/2013, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng ngoại tệ tăng gấp ba lần so với cùng kỳ. Điều đó đã hỗ trợ cho quy mô dự trữ ngoại hối đạt mức tương đương thông lệ quốc tế là 12 lần nhập khẩu.

Thứ hai, theo nhiều tổ chức tài chính nhận định, trong giai đoạn biến động giá vàng gần đây, nhất là sự thay đổi tỉ giá đột ngột vào tháng 3-4/2013, không loại trừ khả năng có sự gom mua ngoại tệ để nhập lậu vàng nhằm cung ứng cho thị trường trong nước. Theo đó, hai tuần cuối tháng 4/2013, tỉ giá đã tăng mạnh theo  lực  cầu  vàng  khá  lớn ở trong nước khi  giá  vàng giảm xuống dưới vùng 40 – 41 triệu đồng/lượng, khiến giá vàng trong nước lập tức đảo chiều tăng trở lại, xoay quanh vùng 41 – 42 triệu đồng/lượng.

Diễn biến trái chiều giữa giá  vàng  trong  nước  và  thế  giới  cũng đã  góp  phần  gia  tăng  mức  chênh  lệch  giữa  giá  trong nước  và  thế  giới,  lên  6  –  7  triệu/lượng.  “Chênh  lệch lớn  của  giá  vàng  đã  kích  thích  hoạt động đầu cơ với kỳ vọng nhu cầu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng sẽ tăng mạnh, khiến tỉ  giá  đảo  chiều  tăng  trở  lại  trên  cả  thị  trường  chính  thức  lẫn  phi  chính  thức. 

Ngoài ra, một yếu tố khác khiến tỉ giá tự do cuối tháng 4, đầu tháng 5 bất ngờ tăng mạnh, có thời điểm chạm mốc 21.500 Việt NamD/ USD, còn có nguyên do đến từ tin đồn Ngân hàng Nhà nước đổi tiền và Ngân hàng Nhà nước sắp điều chỉnh tỉ giá. Phòng phân tích CTCK Bảo Việt cho rằng nguyên nhân sâu xa của những tin đồn này vẫn là câu chuyện chênh lệch giá vàng. Một khi sự chênh lệch thúc đẩy lòng tham của giới đầu cơ  vàng gom ngoại tệ nhập lậu vàng gia tăng, thì đó cũng là lý do hợp lý để giới đầu cơ ngoại tệ vin vào nhằm đẩy giá USD tự do.

Lãi suất mềm cho xuất khẩu, bao giờ?

Trở lại với mục tiêu là một chính sách hợp lý cho xuất khẩu. Khi tỉ giá đứng yên, giới đầu cơ đã đôi phen được hưởng lợi từ tung tin trục lợi với cả hai kênh vàng lẫn ngoại tệ, thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn là đối tượng thụ động phải chạy theo lãi suất của ngân hàng. Vì vậy, sự bất động, hay biến động bất thường của tỉ giá, lãi suất, nếu không có một quyết sách điều chỉnh linh hoạt trong từng giai đoạn phù hợp với các biến số vĩ mô nhất định, đều khiến doanh nghiệp thiệt thòi. Đây chính là giai đoạn mà doanh nghiệp xuất khẩu thấm thía thiệt thòi đó khi thực tế họ vẫn không hề được hưởng lãi suất tiền gửi ngoại tệ cao, nếu dư ngoại tệ để gửi, ngược lại vẫn phải trả lãi vay cao nếu đã trót vay và cộng thêm việc chịu lỗ kép do các đồng tiền khác trượt giá.

Trong một buổi làm việc tại một tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cam kết tỉ giá năm 2013 sẽ không tăng quá 2%, đồng thời sẽ cho vay ngoại tệ với lãi suất 4-5%/năm đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu nhằm tiết giảm chi phí và không phải vay VND. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu chắc chắn không thể trông mong được hỗ trợ từ các quyết định điều chỉnh tỉ giá. Họ chỉ còn lại hi vọng duy nhất: Được vay ngoại tệ với lãi suất 4-5%.

Theo nguồn tin riêng của Diễn đàn doanh nghiệp, tại các ngân hàng M. và E., với các chi nhánh, hội sở phố tài chính Nguyễn Công Trứ TP HCM, bất kỳ khách hàng nào có khoản tiền gửi ngoại tệ từ 100.000 USD trở lên, đều được chào mời hưởng lãi suất khoảng 3,5-4%/năm. Chị Mai Liên, một cựu nhà báo có khoản tiền gửi 200.000 USD tại ngân hàng E, vừa chuyển qua ngân hàng M cho biết chị được trả mức lãi 3,5% từ trong năm 2012. “Mình rất ngạc nhiên khi ngân hàng M. biết mình đang có khoản ngoại tệ lớn gửi tại ngân hàng E. Nhân viên ở đó liên tục chào mời và hứa hẹn sẽ nâng lãi suất cho mình lên 4% nếu mình gửi ở ngân hàng họ. Sau đó khi mình chuyển, họ lại báo là “sếp” vừa điều chỉnh hạ mức lãi suất nên chỉ được trả 3,5%. Thôi thì đằng nào cũng đã chuyển. Mình đành…im” - chị Liên nói.

Hiện tượng chị Mai Liên không hi hữu. Hiện tượng các ngân hàng nắm bắt được khách hàng của nhau trên hệ thống và cạnh tranh thu hút khách hàng bằng lãi suất cao hơn cũng không hề hy hữu. Và hiện tượng các ngân hàng làm thế nào để “lách luật” trả lãi suất huy động cao hơn 1-2% so với quy định của Ngân hàng Nhà nước càng không mới. Hiện tượng đó có thể khiến doanh nghiệp được lợi phần nào nếu doanh nghiệp cũng có khoản tiền để dành ăn lãi theo kỳ hạn. Nhưng lại là con dao khiến đa phần doanh nghiệp bị đứt tay (mà đối tượng hưởng lợi chỉ là số ít) do doanh nghiệp luôn luôn có nhu cầu vay vốn, và khi đã có nhu cầu sẽ phải chấp nhận trả lãi cộng trên biên độ lãi suất huy động ít nhất 4%. Lãi suất huy động càng cao thì doanh nghiệp càng xa với giấc mơ hưởng lãi suất thấp. Dễ hiểu vì sao các Ngân hàng Thương mại khó có thể hạ lãi suất cho vay ngoại tệ xuống dưới ngang mức cam kết 4-5% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Và ngay cả việc cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thực tế, cũng mới chỉ là… cam kết, do Ngân hàng Nhà nước chưa có chế tài cụ thể nào để các Ngân hàng Thương mại buộc phải cho vay với lãi suất thấp. Xem trên bảng thống kê hoạt động tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đầu tuần tháng 5/2013, sẽ thấy lãi suất các khoản vay USD dài hạn đang ở mức 6,5-8%. Nếu so với mức trần lãi suất huy động ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước ấn định, các Ngân hàng Thương mại đang cộng biên độ chênh lệch huy động - cho vay tới 4,5-6%?                                 

PGS TS Nguyễn Thị Mùi - Trường Đào tạo Phát triển Nhân lực Vietinbank:

Việc điều chỉnh tỉ giá – giá cả đối ngoại của đồng tiền, theo tín hiệu thị trường tỉ giá lúc lên, lúc xuống tất nhiên phải được xem là việc bình thường của nền kinh tế. Tuy nhiên, xử lý tỉ giá không chỉ dựa trên một mục tiêu là điều chỉnh tăng để hỗ trợ xuất khẩu (cho dù xuất khẩu chiếm 70% GDP của Việt Nam), vì cần nhớ rằng trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều bất cập; theo đó, 70-80% đầu vào của mặt hàng xuất khẩu lại là nhập khẩu, trong khi xuất khẩu lại lệ thuộc vào biến động trên thị trường quốc tế về điều kiện thương mại cũng như biến động giá cả. Ngoài ra, tỉ giá hối đoái còn liên quan đến hàng loạt vấn đề như cán cận thanh toán, nợ quốc gia, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và bất động sản. Chỉ xét riêng mối quan hệ giữa tỉ giá và nợ quốc gia cũng cho thấy rất cần thận trọng trong việc nâng hay giảm giá tiền đồng.

Nguồn dddn.com.vn